Chào bạn, mình là Hân từ work in progress - nơi mình chia sẻ về những ứng dụng hay ho, thi thoảng là một vài bài học cột sống. Cảm ơn bạn vì đã ở đây ;)
Writing On The Net (WOTN) là 1 khóa học online về blogging, nơi Akwaaba Tùng và Tuấn Mon đã đồng hành cùng hơn 400 bloggers làm chủ những hệ thống, tư duy, và framework của người viết online.
Không giống như những khóa học viết thông thường, ở Writing On The Net, bạn sẽ ngay lập tức áp dụng những kiến thức trong khóa học để hoàn thành thử thách viết “30 bài trong 30 ngày”.
Hôm nay là một bài viết non-sponsored nhằm mục đích tri ân BTC, bạn học và cùng lúc hệ thống hoá kiến thức mà mình đã có dịp học được trong Writing On The Net, dưới góc nhìn của người đã viết tới bài thứ 29, là mình.
Bạn (đang đọc bài viết này) có thể chọn là đồng-roai WOTN6 của mình, học viên tương lai của WOTN7, hoặc đơn giản là một người tò mò về những thứ đứng đằng sau hiệu ứng của WOTN ✨
#1 Tổng quan hành trình học viết tại WOTN
Cách bạn làm một việc cũng là cách bạn làm mọi việc.
Nếu bạn từng đọc qua các bài blog của
& (các host chính của WOTN), hay (Co-founder của Mở), và thấy được sự chỉn chu cùng những suy nghĩ thấu tháo trong từng bài viết. Thì tham gia WOTN, bạn cũng sẽ nhận được trải nghiệm tương tự.Ở WOTN, hay rộng hơn là Mở, trải nghiệm chăm sóc học viên theo mình là xa hơn so với góc nhìn các khoá học truyền thống thông thường. Mỗi học viên cũng không khác gì một người dùng app công nghệ, hay một khách hàng đang sử dụng gói dịch vụ đã mua.
Với 3 triệu đồng (học phí chim sớm, 2 triệu nếu bạn vượt qua thử thách viết 25/30 bài), học viên nhận được:
10 buổi học trực tuyến đưa bạn đi từ mắt chữ O đến mồm chữ A
600 phút đi từ banh não (vì những kiến thức thú vị) đến banh mồm (vì sự hề hước của 2 hosts)
1000+ slides bài giảng chứa đựng tâm huyết của 2 hosts trong hành trình viết blog >4 năm
3 buổi Mở Mang để gom nhặt kinh nghiệm viết cùng các alumni
2 buổi Mở Lòng để làm quen với các đồng-write, chiêm nghiệm về hành trình viết
1 cộng đồng WOTN to bự luôn túc trực trên Discord đợi bạn #khoe-bài-viết, #share-your-wins, #share-your-struggles, và hơn thế nữa
#2 Bóc tách lợi thế cạnh tranh & điểm khác biệt của Mở (competitive advantages)
2.1 Khác biệt về mô hình
Ở WOTN, mọi người sẽ bắt gặp mô hình khoá học theo kiểu cohort-based & community-driven, tập trung vào câu chuyện:
Một nhóm người tựu chung lại và học những chủ đề được chia sẻ, với shared goals (vượt qua nỗi sợ Viết Dở & Đều) & shared responsibilities (tham gia thử thách 30 ngày, hoặc đơn giản là bắt đầu viết)
Học viên vừa học từ người đồng hành, vừa học từ các học viên cùng cohort, và học từ các alumni của những khoá trước đó
Hoàn toàn khác với chuyện:
Class-based learning: lớp học truyền thống học xong khoá nào thì khoá đó mạnh ai nấy đi.
Self-paced learning: học một mình, vướng mắc không biết hỏi ai, có gì tự hào cũng hổng có ai chia vui cùng.
Học qua livestream Facebook group kín (thường xuất hiện ở lứa luyện thi đại học): học phí rẻ, đóng 1-2 triệu học cả năm, nhưng thiếu tương tác trực tiếp với giảng viên, môi trường Facebook cũng dễ xao nhãng hơn.
2.2 Khác biệt về công cụ
Quên Zoom/MS Teams/Google Meet đi, và sẵn sàng cho trải nghiệm học vui vô bờ bến đến từ Butter. Từ một người có 2 năm kinh nghiệm làm & nghiên cứu về edtech, mình thực sự ấn tượng với trải nghiệm học online tại Mở, một phần vì Butter.
Dù đã có tiếp xúc với Butter từ 1 năm trước đó, nhưng dùng thử dưới góc độ người làm product sẽ rất khác với việc thực sự trải nghiệm nền tảng trong quá trình học. Mình cảm thấy trân trọng hơn những tính năng hữu ích mà Butter đem đến cho lớp học online:
Phòng chờ (waiting room) phát nhạc:
Không phải chiếc cửa sổ đen thùi, bạn sẽ ở phòng chờ vừa tự ngắm mình xinh xẻo qua camera máy tính, vừa nghe nhạc ;)), tự nhiên thấy có hứng học hơn hẳn.
Bất giác mình thấy nhớ tiếng nhạc chờ đó nếu một mai không còn học ở Mở nữa.
Bộ default avatar cute hột me:
Phần lớn mọi người không mở cam trong lúc học, nhưng những avatar mặc định của Butter khiến mình vẫn có cảm giác tất cả mọi người vẫn đang hiện diện, đang lắng nghe host và cùng tương tác qua lại trên chat.
Công cụ Polls, Vote, Q&A:
Đừng lo tin nhắn của bạn bị trôi, vì đã có riêng cửa sổ cho chuyện tương tác hỏi đáp trong lúc học, giúp bạn dễ dàng theo dõi câu hỏi của host hay câu trả lời của các bạn học viên khác.
Emoji reactions:
Mình thật sự học vui hơn khi tự tay thả từng chiếc biểu cảm máu lửa 🔥, những trái tim ôm ấp 🥰, hay những tràng cười hả hê 🤣 để tiếp sức cho host trong quá trình nghe giảng, và cùng lúc chia sẻ cảm xúc với các đồng môn.
Sound effects & built-in music player:
Luôn có khúc dạo đầu warm-up, đưa học viên về trạng thái an toàn trước khi học.
Luôn có âm thanh đạo cụ để thể hiện sự cổ vũ khi cần.
Luôn có đoạn fade-out sau cuối, bye bye các bạn đã tham gia live class.
GIF, GIF, and more GIF:
Người chơi hệ GIFs chắc chắn thích điều này. Với kho GIF sẵn sàng trong khung chat Butter, việc tương tác qua lại giữa các học viên cũng tự nhiên và hào hứng hơn rất nhiều.
Dĩ nhiên, Butter không hoàn hảo 100%, nhưng mình cá là nếu đã học online ở Butter rồi thì bạn sẽ chẳng muốn học ở Zoom hay GG Meet nữa đâu. Khá khen cho Mở với sự khác biệt này.
2.3 Khác biệt về thương hiệu
Ngoài kia có 7749 khoá học viết, và rất nhiều khoá học viết được dựng nên từ ‘tín cá nhân’, thậm chí có cả các khoá học lùa gà vì 1m2 là gặp một ông thầy đi bán khoá học.
Đến với Mở, dù vẫn sử dụng tín cá nhân từ 2 người đồng hành là Tùng & Tuấn Mon, Mở vẫn đem lại sự yên tâm và niềm tin hơn với những triết lý giáo dục và những hoạt động vì cộng đồng.
Vì cuộc đời là quá ngắn để tự học một mình.
Ở Mở bạn sẽ không chỉ thấy 2 “ông thầy” đi bán khoá học, bạn thấy một tập thể cùng nhau nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của Mở, sự đi lên của học viên, và sự kết nối của cộng đồng cùng nhau tiến bộ.
Bạn không tới Mở để tự học một mình. Người đồng hành ở Mở cũng không đến lớp để dạy một mình.
WOTN là một tổ hợp kết dính từ người sáng lập, người thiết kế trải nghiệm học tập, người soạn giảng, người đứng lớp điều phối, người hỗ trợ học viên, người ngày đêm chăm chút những chiếc mail recap, và người chưa bao giờ quên nổ não đưa prompt mỗi ngày để khơi gợi ý tưởng viết trong bạn,…
2.4 Khác biệt về CSKH
Đến với Mở, bạn có:
Facebook, Instagram Mở - Mơ và Hỏi:
Trang mạng xã hội chính thức của Mở với những bài viết và real-time story, nơi các admin và moderator mạnh tay khoe hình, wins của học viên và không ngại repost khi bạn chủ động tag Mở.
Website movahoi.com:
Trang thông tin chính thức của Mở để bạn tra cứu về nội dung khoá học, xem feedback học viên hay thậm chí là lần mò những khoá học hay ho khác bên cạnh WOTN.
Substack :
Những bài blog được đồng sáng tạo bởi Mở và cựu học sinh WOTN, hứa hẹn giúp bạn mở đường dẫn lối, mở mang đầu óc và mở cửa trái tim.
Notion của từng khoá:
Workspace của khoá học, nơi bạn dễ dàng tra cứu tài liệu học tập, bài giảng, ghi chú,… không thể chi tiết hơn.
Tracking sheet của từng khoá:
Giúp bạn tìm lại bio của một đồng-write mới quen, tra cứu trang blog của đồng bọn và quan trọng nhất là cập nhật tiến độ các bài blog tham gia thử thách để chuẩn bị cho phần thưởng 1 triệu đồng.
Discord của từng khoá:
Nơi sinh hoạt cộng đồng, tâm sự tuổi hồng và nhận thông tin offline từ các đầu cầu HN, SG,… cùng các đồng-write. Đặc biệt là, alumni có thể tham gia kênh Discord của những khoá sau đó, giúp mở rộng kết nối của bạn trong hành trình viết hơn rất nhiều.
Email newsletter, weekly recap, survey,…:
Bạn được cập nhật về quá trình học của toàn khoá đến nơi đến chốn, kể cả không thể tham gia live class, hoặc không có thời gian check tin nhắn Discord. Chứng tỏ Mở cực kỳ quan tâm đến học viên.
Nhờ newsletter của Mở mà rất nhiều bạn cũng cảm thấy an toàn, thoải mái và hứng thú hơn vì được giới thiệu thêm nhiều trang blog hay ho từ các đồng-write.
Một hệ sinh thái CSKH/ chăm sóc và đồng hành cùng học viên nói lên nhiều thứ về cách vận hành và tổ chức khoá học của nơi đó. Đã qua rồi cái thời đóng tiền đi học và chạy theo giảng viên, vì bạn tham gia khoá học cũng là lúc ký cam kết sử dụng dịch vụ từ bên cung cấp.
Mình tin là các bạn bên Mở thật sự nghiêm túc và đầu tư vào xây dựng Mở bền vững, không chỉ từ góc nhìn kinh doanh, mà còn ở phương diện giáo dục và cái tâm dành cho cộng đồng.
#3 Thế còn học ăn, nói, gói, mở gì đó thì sao?
Trong phần này, mình sẽ đi sâu hơn về nội dung khoá học, bên cạnh các chất xúc tác đã phân tích ở trên khiến mình cộng điểm cho WOTN. Ngoài thông điệp Viết Dở & Đều đã được Tùng nói ra rả trên mạng, WOTN còn cho bạn cái gì?
1.1 Học ăn 🍜
Cách bạn tiêu thụ nội dung có ảnh hưởng sâu sắc đến cách bạn viết, câu chuyện đăng tải hay thậm chí là chăm sóc người đọc sau viết.
Học ăn sao cho healthy & balance - mời bạn đến với Live Class #3: Tiêu thụ nội dung như một blogger.
Ở giảng đường đại học, bạn học cách nghiên cứu để viết luận. Ở chốn công sở, bạn học cách dùng Google để tìm kiếm data bổ trợ cho proposal gửi khách hàng.
Ở WOTN, bạn học cách tìm nguồn thức ăn và phân tích nguồn của bạn kỹ đến mức bạn có thể chắt lọc được 7749 nguyên tắc và tư duy từ những người viết xịn hơn. Còn kỹ như thế nào thì, bạn đi học rồi sẽ biết ;)
Ăn ngon thì phải làm gì? Lưu lại để biết đường ăn tiếp, menu có món gì ngon, biết đâu ăn xong lại học thêm cách xào nấu câu từ cho chính mình - ở đây mình muốn mở đường cho Live Class #4: Nhà kho lưu trữ ý tưởng.
Các hosts của WOTN rất biết cách hình tượng hoá các framework và chiến thuật dành riêng cho việc viết. Bạn hình dung là, ý tưởng có ở khắp mọi nơi. Sẽ có rất nhiều trường hợp bạn đọc được cái gì đấy hay ho trên mạng và nó trở thành điểm neo tư duy giúp bạn mở lối đi nhận thức đến thành phẩm sáng tạo tiếp theo trên hành trình viết.
Nhưng nếu không thực hành và thuần thục Nhà kho lưu trữ ý tưởng, thì cái gì đấy hay ho cũng sẽ sớm rơi vào vùng lãng quên của não bạn, như cái cách những đường link bookmark xưa cũ của bạn lạc trôi trên trình duyệt.
1.2 Học gói 💌
Bạn học cách chọn người đọc mục tiêu, chọn thông điệp, chọn loại “tín” khi viết & chọn hệ chủ đạo thông qua Live Class #2: Nhà máy đóng gói ý tưởng.
Bạn gói lại những thứ đã nhai kỹ, đã ngẫm sâu và bắt đầu thổi hồn vào trong bài viết. Bạn gói lại bài học 5s kèm với việc trình bày, bóc tách nội dung với Live Class #5: Bài binh bố trận và đem lên bài viết ra sao cho người học thấy cuốn, thấy dễ hiểu, với Live Class #7: Giữ chân sự chú ý của độc giả.
Format bài viết là tôn trọng công sức của mình, và thời gian của độc giả.
Nghe thì đơn giản, nhưng đều là những framework cần thiết để bạn củng cố tư duy khi viết và khai thác ý tưởng của mình một cách chặt chẽ nhất.
Những framework này được cân chỉnh vừa vặn cho việc viết trên Internet; khác với nghị luận xã hội bạn học ở trường cấp 3, hay writing task 2 lúc ôn thi IELTS. Và bạn có thể áp dụng chúng dù bạn muốn viết trên Facebook, Substack hay thậm chí là website cá nhân.
1.3 Học nói 🔈
Đến với Live Class #8: Quảng cáo & giật tít cũng là lúc bạn sắp chạm những bước cuối đến chặng dừng của thử thách viết 30 ngày. Một bài học xương máu về chuyện tìm độc giả là nhiệm vụ của chính người viết sẽ được Tùng và Tuấn Mon đúc kết lại trong buổi này.
Ở thời đại thông tin trên mạng tràn lan đại hải như ngày nay, việc quảng cáo sản phẩm không còn là thứ gì quá xa lạ. Bạn tưởng tượng là từ những thứ nho nhỏ như hàng trà sữa vỉa hè hay những thứ khủng hơn như app đặt xe công nghệ cũng cần đến quảng cáo, hà cớ gì bạn không tự tay quảng cáo cho bài viết của bạn?
Nếu bạn thực sự tin rằng ý tưởng của mình có thể giúp 1 ai đó, việc bán nó là nghĩa vụ đạo đức của bạn - Eleanor Roosevelt
1.4 Học Mở 🤲🏻
Hết Mở Lòng, Mở Mang, đi đến cuối vẫn là câu chuyện học mở.
Ngoài việc mở hết lòng với mang ra để kết nối với cộng đồng viết hay lắng nghe những kinh nghiệm từ alumni, bạn còn học mở mình ra và lắng nghe độc giả qua Live Class #9: Lắng nghe như 1 nhà khoa học.
Bạn nào đã tiếp xúc với ngành marketing và quảng cáo, thì cũng sẽ quen với các thuật ngữ như social listening, data analysis, qualitative & quantitative research. Việc viết cũng cần những thứ tương tự.
Một khi đã viết trên Internet (không phải viết nhật ký), bạn cần lắng nghe chính mình và độc giả của mình để nhu cầu viết được lớn lên cùng nhau. Nó là cả một quá trình đằng sau chuyện publish bài viết, từ đánh giá, đưa ra hypothesis để kiểm thử đến việc cân chỉnh và tối ưu hoá phong cách viết.
#4 Bonus - Vài điểm ‘nhỏ mà có võ’ của WOTN
Ngoài tất tần tật những thứ chuẩn chỉnh kể trên, sẽ còn những điểm cộng khác của WOTN:
Slide đẹp và hài: Sự chỉn chu và hài hước trong bài giảng là nét rất riêng của các khoá học bên Mở. Quên mấy chiếc slide đầy chữ hồi đại học đi, để đến WOTN trong slide chỉ có thấy meme (hoặc framework).
Giọng đều và hay: Cả 2 hosts đều có chất giọng podcast, và đều từng thu podcast. Bạn cũng hiểu chất giọng ảnh hưởng ra sao đến trải nghiệm điều phối mà đúng hong?
Luôn luôn cập nhật nhịp sống lớp học: Dù là lớp 50, 100 hay bao nhiêu học viên, BTC của Mở vẫn luôn kịp ghi nhận các thành tích, niềm vui, nỗi buồn đến từ cộng đồng và đem lên trên bài giảng ngày live class hôm đó. Như vậy, học viên cũng cảm thấy luôn được nhìn thấy và lắng nghe.
Để ý đến học viên hơn giám thị coi thi: Một tố chất rất quan trọng của những người điều phối, là quan tâm đến trạng thái và cảm nhận của học viên. Tùng, Tuấn Mon hay bất cứ ai từng host ở Mở đều sẽ nói những câu quen thuộc như ‘energy check nhé’, ‘cho mình xin 1 chút reaction nhở’,… để đưa học viên về lại quỹ đạo lớp học.
Nhiệt tình bất thình lình: Bạn cứ viết đi, một lúc nào đó sẽ thấy Tùng thả comment hoặc mạnh hơn là repost bài viết của bạn. Thế là tự dưng “nổi tiếng” hơn một chút.
TLDR; Tóm lại thì
Nếu được hỏi ‘Bạn sẵn sàng giới thiệu WOTN đến bạn bè và người thân ở mức nào?’ trong khảo sát, mình sẽ chọn điểm cao nhất không cần suy nghĩ (vì đã & đang làm việc đấy ở đây rồi kia mà 🙊).
Nói ngắn gọn, thì WOTN giúp mình gói ghém hành trình blogging từ giai đoạn thai nghén, lên ý tưởng, viết bài, đăng bài đến đánh giá và tối ưu hoá bài viết. Chung quy lại thành 1 full blogging cycle chỉ qua một khoá học.
Học viết blog không làm cho bạn viết hay hơn ngay và luôn, nhưng sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy chỉn chu hơn, có hệ thống hơn trong việc viết. Và đó cũng chính là điều tiên quyết của việc viết hay dần lên, bên cạnh câu chuyện viết đều và bền.
Tại cột mốc 29, mình thấy mình đã tạo cho bản thân sự chuẩn bị tại WOTN, từng bước lấy đà để bốc đít (hoặc bốc đầu) chiếc xe đạp viết, trước khi chạy bon bon trên hành trình viết của những năm về sau. 🚴🏼♀️
Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, bạn có thể tặng mình 1 sub hoặc chia sẻ bài viết này cho người bạn dễ thương nào đó đang cần ở ngoài kia nha. Mình (và bạn đó) sẽ rất vui nhờ vào chia sẻ của bạn 🥳💖
FAQ
Mình nghe bảo lớp tận trăm người, introvert có học được không?
Không thành vấn đề. Khoá học được thiết kế xoay quanh các hoạt động cộng đồng giúp bạn cảm thấy gắn kết hơn trong hành trình học. Tuy vậy, bạn vẫn luôn có lựa chọn tương tác hoặc không, tham gia live class hoặc chỉ xem lại bài qua recordings.
Trong WOTN6, mình có gặp nhiều bạn không nhắn tin trên Discord, nhưng vẫn âm thầm viết bài và hoàn thành thử thách như thường 💪🏻. Chỉ cần nhớ rằng bạn không cô đơn khi ở đây, và mọi người luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần.
Mình bận quá, không viết đủ KPI thì có sao không?
Thử thách 25/30 hoặc 30/30 được đặt ra nhằm tạo động lực cho bạn thực hành Viết Dở & Đều, cộng với việc kết nối với cộng đồng thông qua việc viết. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có lựa chọn không tham gia thử thách và bỏ qua phần thưởng 1 triệu tiền phở bất kỳ lúc nào ✅.
Mình viết đủ, nhưng vẫn sợ và ngại, mình không khoe bài viết của mình với mọi người được không?
Nếu bạn vẫn có mục tiêu nhận thưởng để hoàn thành thử thách, thì bạn chỉ cần đăng đủ số bài theo quy định và cập nhật tiến độ trên tracking sheet. Việc chia sẻ bài viết lên Discord chỉ là một cách để WOTN giúp bạn có thêm những độc giả đầu tiên thông qua khoá học.
Thả cho mình 1 comment dưới bài viết này nếu bạn cần những review “thầm kín” hơn, hay đơn giản là muốn nghe thêm góc nhìn từ mình 👇🏻
*
Đọc thêm tản mạn của mình ở đầu khoá:
*
Một số bài viết tâm đắc khác từ work in progress:
Cuối cùng là, cảm ơn bạn đã đọc đến tận đâyyyyyy! Chúc bạn một ngày thật vui 🌸
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
#wotn6
WOTN 10 điểm thì xin cho review này 100 điểm ạ :DD WOTN#7 SSL thẳng tiến chị ơii
OMG review chất lượng và cụ thể quá ạaa BTC MỞ xin cảm ơn chị nhiềuuuu