Chào bạn, cột sống dạo này ổn không?
Bài viết hôm nay là tản mạn của một người lớn vừa trở lại cuộc sống đi làm toàn-thời-gian, chính là mình. Trước khi bắt đầu, mời bạn trả lời câu hỏi nhỏ bên dưới nếu bạn đã, đang (hoặc sắp) đi làm nhé ;)
Cợt nhả một tí rồi thôi 😔.
Bài viết này mình dành tặng cho hội những người đi làm full time, mà vẫn cố gắng dành thời gian chăm chút cho cuộc sống cá nhân, từng chút một. Có thể là qua việc viết, đọc blog ai đó, chơi mèo, thỉnh thoảng đi gặp gỡ bạn bè thân, hay đơn giản chỉ là có cho mình một ngày cuối tuần không-làm-gì.
*
Không rõ ai đó đã tạo ra cái quy luật rằng mọi người phải làm 8 giờ một ngày, và đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 mỗi tuần, chấm công nhuần nhuyễn như cơm bữa? Rồi thì commute 1-2 tiếng cả đi lẫn về. Hồi xưa làm gì có khái niệm hybrid, remote hay WFH các kiểu. Mà không phải ai cũng có cái privilege là nhà gần công ty. Với nhiều người, mỗi ngày ra đường sẽ là một ngày đánh trận trên Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, hay Võ Thị Sáu. (Bạn sẽ thấm điều này nếu bạn chạy xe ở Sài Gòn vào giờ cao điểm quanh khu trung tâm)
Có ti tỉ thứ khiến chúng ta mâu thuẫn với chính mình, và ti tỉ bài học chỉ trực chờ cơ hội đập vô mặt mình cho tỉnh ra, khi ở trong môi trường công sở. “Mình, hay mọi người đi làm vì điều gì nhỉ?”
Thế nhưng, dù là vì điều gì đi nữa, mình là người lớn đi làm mà, phải chấp nhận thôi, phải học thôi, phải tiếp tục thôi.
Cuộc sống mà?!
ಠ~ಠ
Người lớn đi làm học cách thoả hiệp, đón nhận những điều bất như ý, trong khi cố gắng bảo toàn năng lượng của chính mình.
Môi trường công sở giống như một xã hội thu nhỏ, mà ở đó mỗi người cần thực hành phân chia nhiệm vụ. Nhưng không phải ai cũng tập trung làm tốt việc của họ, và để cho người khác làm tốt việc của người ta.
Đi làm cho người khác, nghĩa là sẽ có những sự can thiệp mà bạn bất đắc dĩ cần chấp nhận. Hoặc ổn hơn là bạn đàm phán được đến một mức độ nào đó, để có cho mình tính ownership cao hơn, đồng nghĩa với việc trách nhiệm nặng nề hơn cho công việc được giao.
Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân. Chỉ cần biết phân chia nhiệm vụ, quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi rõ rệt. (Dám bị ghét)
Sẽ có những lúc bạn được giao một chiếc nhiệm vụ chẳng liên quan gì đến JD. Sẽ có những lúc bạn hì hục làm đi làm lại nhưng vẫn bị sửa lưng. Sẽ có những lúc bạn phải đập đi xây lại toàn bộ vì khách hàng đổi brief bất thình lình. Sẽ có những lúc tài liệu bạn viết ra chẳng được dùng tới, hoặc thậm chí team bạn còn không quan tâm vì mọi người muốn tập trung vào thực thi nhiều hơn.
Những lúc đó, bạn làm gì?
Khoan khoan, đừng lật vội. Hít thở sâu một cái, tự ngẫm xem nguyên nhân của việc này là vì đâu, và bạn nắm bao nhiêu % quyền kiểm soát nó?
Tự vấn → Hiểu vấn đề → Thảo luận, giãi bày, giải quyết → Quan sát sự thay đổi của sự vật/ sự việc → Lặp lại
Không phải điều bất như ý nào cũng sẽ được giải quyết ổn thoả, hay thậm chí là được lắng nghe. Điều đó còn tuỳ thuộc vào môi trường và con người xung quanh bạn. Nhưng có một điều khá chắc chắn là, bạn là người quyết định được tâm thế của bạn đối với điều bất như ý đó là gì.
(▰˘◡˘▰)
Người lớn đi làm học cách tách mình ra khỏi danh tính và kết quả công việc, khi vẫn đau đáu về những con số KPI chưa biết trả làm sao.
Sao viết engagement content mà không ra được miếng tương tác nào vậy em ơi? Em có chắc là campaign này thu hút được 1 triệu người dùng không? Gần đến ngày event rồi mà lượng đăng ký cứ bèo bọt kiểu gì, em xem lại đi nhé.
Nghe có quen quen không bạn gì ơi?
Gần đây có một chị lớn mình biết tâm sự rằng chị nghe được trăn trở của rất nhiều bạn trẻ đi làm. Về chuyện làm hoài không ra kết quả, hoặc kết quả không đạt kỳ vọng. Khiến cho các bạn cảm thấy cuộc đời các bạn thế là không-ổn-rồi. Người chị chỉ bình tĩnh và nhẹ nhàng nói rằng, mọi nỗ lực của các em đều được ghi nhận, còn kết quả của công việc, của sản phẩm, của chiến dịch nó không phải là các em.
Mình cứ cố gắng trong khả năng của mình, làm tốt việc của mình, rồi mọi sự sẽ đâu vào đó. Không phải kết quả nào mình cũng kiểm soát 100% được.
Nói thì dễ, nhưng làm thì là câu chuyện đường dài. Sản phẩm được khen thì ấm lòng, bị từ chối thì buồn mất mấy hôm, mình nghĩ là câu chuyện quen thuộc. Đặc biệt đối với dân làm sáng tạo. Mình hiểu cảm giác khi bạn đạt 120% nỗ lực vào một thứ gì đó, trong vô thức bạn thấy bạn cũng trở thành thứ ấy luôn. Rất nhiều danh tính công việc chiếm đóng tâm trí chúng ta qua con đường đó.
Tỉnh táo lên. Thương mình nhiều hơn một chút. Để hiểu rằng một bản proposal kén người mua hay một mẩu design chưa được lên sóng không hề làm giá trị của bạn giảm đi. Nhớ lấy điều này.
≧◔◡◔≦
Người lớn đi làm học cách trân quý sự tự do ở bất cứ hình thức nào, từ việc ra quyết định, lẫn tự do trong không gian và thời gian làm việc của bản thân.
Đi làm đồng nghĩa với việc đi tìm sự tự do trong khuôn khổ.
Đồng lương tháng cho bạn thêm tự do trong việc chi tiêu, ăn uống món mình thích, thanh toán đơn Shopee mình yêu, tham gia 1 workshop mà mình đón chờ mãi. Nhưng cũng chính đồng lương tháng ấy, quyết định bạn có mặt ở văn phòng công ty lúc mấy giờ, phút thứ mấy thì bị tính là đi muộn, hay quẹt thẻ khi nào thì bị tính là ra về sớm. Cũng chính đồng lương tháng ấy, quyết định bạn làm việc dưới trướng ai, cần lấy được sự đồng thuận của ai, hay cần cộng tác với những nhân vật nào trong câu chuyện công sở.
Khi làm ở startup, bạn sẽ mong ngóng sự tự do trong việc “xài tiền” của một big corp, ý mình là quỹ ngân sách của công ty thực sự lớn thì lớn hơn rất nhiều so với một startup sống bằng vốn đầu tư seed fund. Nhưng ở trong big corp, bạn lại nhìn qua bên kia thảm cỏ là sự tự do trong việc thay đổi nhanh chóng, rút ngắn quy trình và pivot một cách chớp nhoáng khi cấu trúc của startup chưa có nhiều layer.
Khi làm dưới chính sách linh hoạt về thời gian, bạn nghĩ nếu chẳng may ở trong công ty 9-to-5 quy củ thì bạn sẽ đỡ thấy thông báo Zalo nhảy sau giờ làm việc hơn chăng. Khi làm trong môi trường chấm công đều đặn và đòi hỏi đến văn phòng đúng giờ, bạn lại ước có một quỹ thời gian linh hoạt để muốn đi lúc nào thì đi, về lúc nào thì về miễn là laptop trong tầm tay và bạn sẵn sàng stand by khi sếp cần là được.
Người làm remote thì muốn lên văn phòng cho bớt quanh quẩn một mình, bớt tù túng. Người làm văn phòng chỉ chờ ngày chính sách hybrid được duyệt rẹt rẹt để được thức dậy mở laptop mà không cần makeup, hay áo quần là lượt.
Thực ra chẳng có sự lựa chọn nào là tối ưu cho tất cả, quan trọng là sự phù hợp. Và sự phù hợp này có bao gồm cả yếu tố thời điểm.
Hãy tự hỏi chính mình, giai đoạn này, điều gì sát với nhu cầu của bạn hơn?
❀◕ ‿ ◕❀
Người lớn đi làm học cách than thở và sẻ chia, đón nhận sự giúp đỡ đúng thời điểm, tránh đợi đến lúc bùng nổ hay burn out.
Khiếp, đi làm có tí mà suốt ngày bán than, ta đây ABC còn chẳng XYZ đây này!
Gượm đã, mỗi người sẽ có cách xả van stress khác nhau. Có người viết nhật ký, có người gọi điện thoại cho người thân, có người gửi confession lên các trang mạng xã hội, có người đăng story tràn lan, có người đi xem concert của các anh trai. Hoặc có người tranh thủ viết blog, như mình. Nhưng cơ bản là ai làm gì, bạn kệ họ.
Nhiều khi mình nghĩ, chúng ta cần nhiều hơn những sự bao dung cho người lớn đi làm. Bất kể là họ có đang tận hưởng công việc đó hay không. Mình sẽ không biết đằng sau email đó họ đang gánh vác 4 miệng ăn ở nhà, hay sau một gương mặt luôn làm trò cho cả phòng là người đêm hôm trước vừa khóc tu tu vì cãi nhau với người yêu.
Nhưng than cũng cần phải học. Đó là học điều hoà cảm xúc của bản thân, học chiêm nghiệm về những chuyện xảy ra, và học nhìn nhận mọi thứ như nó vốn là. Khi ấy những câu chuyện sẽ có thể đi từ ranting, whining đến sharing một cách chân thành. Khi ấy bạn mời người khác bước vào ngôi nhà tâm hồn của mình, mà không khiến người kia cảm thấy áp lực hay hiểu nhầm rằng họ đang đóng vai sọt rác tạm thời.
(─‿‿─)
Chà, có vẻ chương trình tản mạn của người lớn đi làm hôm nay sẽ kết thúc ở đây. Nhưng bài học mới thì sẽ luôn đến. Hẹn bạn ở bài viết sắp tới, sớm thôi!!
Cảm ơn bạn đã đọc đến tận đây <3. Bạn có câu chuyện hay bài học nào về chuyện đi làm, kể cho mình nghe bên dưới comment nha.
Gửi bạn một cái ôm virtual hug, và chúc bạn tuần mới thật nhẹ nhàng ~
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Bài này dễ thương ạ :> em cũng hay nghĩ về việc trưởng thành là thoả hiệp với những điều mình không thích, nghe hơi buồn nhưng mà ai cũng phải lớn thôi chị nhỉ?
nay cổ đổi style viết dễ thương dậy =))(